Có Nên Giải Tán Bộ và các Sở Khoa học và Công nghệ

Đăng ngày 22/05/2017

Cuối tháng ba vừa qua dư luận được một phen náo nhiệt với đề xuất sáp nhập, xóa sổ một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh nhằm tinh giản biên chế và tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh-gọn-nhẹ để nâng cao hiệu quả động.


Có thể nói đây là một đề xuất mang tính đột phá, rất khả khi, có thể giải quyết được những vấn đề than vãn bấy lâu nay về bộ máy cồng kềnh của các cơ quan nhà nước. Một đề xuất sáng tạo như vậy cứ tưởng xuất phát từ một cơ quan mà bấy lâu nay được xem là đầu tàu sáng tạo của quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhưng không đó là đề xuất của Bộ Nội vụ, xin nhắc lại đó là đề xuất của Bộ Nội vụ, và các Sở KH&CN (các cơ quan tuyến dọc của Bộ KH&CN) sẽ có thể bị sáp nhập hoặc xóa sổ.


Đề xuất xóa sổ Sở KH&CN

Hơn một tháng nay, đã có nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, … lên báo nêu những lo ngại của mình về việc hình thành các siêu sở, các trở ngại/khó khăn (có thể sẽ gặp) trong quản lý nhà nước khi xóa sổ một số sở, những bất nhất trong thực thi đường lối, chính sách khi xem KH&CN là quốc sách hàng đầu, vâng vâng và vâng vâng. Riêng cá nhân tôi, hoàn toàn ủng hộ việc xóa sổ Sở KH&CN và chuyển các chức năng quản lý nhà nước của Sở KH&CN cho các cơ quan chức năng khác phù hợp.


Thứ nhất, KH&CN được xem là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực then chốt thúc đẩy sự phát triển năng lực cạnh tranh của đất nước, ngành KH&CN được nhiều sự ưu ái về đầu tư, chính sách của Đảng và Nhà nước, thế nhưng đến nay ngành KH&CN của Việt Nam vẫn chỉ được công nhận ở mức “nặng về lượng, nhẹ về chất”. Khỏi phải nhắc lại số lượng GS, TS, so với các công trình khoa học thực thụ được quốc tế công nhận, hãy nhìn lại trình độ công nghệ của Việt Nam mà xem có đủ sức để giúp các doanh nghiệp Việt cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại quốc hay không? Các chuyên viên các cấp thường hay viết báo cáo rằng trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt rất kém, khả năng hấp thụ công nghệ lại yếu, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp gần như không có. Những báo cáo như vậy cứ được trình ký hết năm này đến năm nọ, chỉ sửa lại ngày tháng năm. Vậy Bộ KH&CN, các Sở KH&CN tồn tại để làm gì mà để trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt yếu từ năm này qua năm khác?


Thứ hai, hầu hết các cán bộ của các Sở KH&CN không làm công tác nghiên cứu, mà chủ yếu là làm công tác quản lý hành chính, điều này cũng do một phần quy định trói chân trói tay của Bộ KH&CN về điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học, theo đó chỉ có các tổ chức có đăng ký hoạt động KH&CN mới được chủ trì thực hiện đề tài, dự án KH&CN, các phòng và chi cục thuộc Sở KH&CN (chiếm số lượng lớn biên chế) chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao (các đơn vị sự nghiệp) của Sở KH&CN mới được đăng ký hoạt động KH&CN. Các đơn vị sự nghiệp này thực hiện cơ chế tự thu, tự chi, tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, như vậy sao không để các đơn vị này phát triển thành các doanh nghiệp KH&CN mà phải ràng buộc về mặt tổ chức dưới lá cờ Sở KH&CN. Chỉ cần 1 phần trong số hàng trăm đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở KH&CN phát triển thành Cty công nghệ hàng đầu thì biết đâu Việt Nam có thể sở hữu công nghệ nào đó đứng đầu thế giới.


Thứ ba, phạm vi quản lý nhà nước của Sở KH&CN không lớn, một số chức năng quản lý nhà nước chồng chéo với các đơn vị khác. Có thể tóm lược sơ lược về chức năng quản lý nhà nước của các Sở KH&CN trong các phạm vi hẹp sau: (1) quản lý nghiên cứu khoa học, công nghệ; (2) quản lý về sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân; (3) quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL); (4) thống kê thông tin KH&CN; (5) (các trung tâm) ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Chức năng thứ nhất thực chất chỉ là quản lý việc thực hiện các đề tài, dự án được phê duyệt hàng năm, có thể kết hợp với chức năng thống kê thông tin KH&CN, như vậy chỉ cần 1 chuyên viên văn phòng ủy ban là đủ. Quản lý sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân xưa nay đều tách riêng với chi cục TCĐLCL, quản lý sản phẩm nào cũng phải dựa trên tiêu chuẩn, các sản phẩm ứng dụng đồng vị phóng xạ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn, mà các sản phẩm lưu thông trên thị trường càng phải kiểm soát chặt chẻ hơn, do đó nên giao luôn mảng này cho Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT - thuộc Sở Công Thương) quản lý cho nhất quán, tránh chồng chéo. Việc ứng dụng, chuyển giao KH&CN được giao cho các trung tâm sự nghiệp, như đã nói ở trên, nên được cởi trói khỏi cơ chế để các đơn vị này phát triển độc lập.


Nói đến đây, có thể thấy nếu như giải tán các Sở KH&CN thì cũng không gặp trở ngại nào về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN, như vậy đâu cần duy trì bộ máy vài chục hay vài trăm biên chế ở mỗi địa phương cho các Sở KH&CN, hãy mạnh dạn chuyển các chức năng quản lý hành chính nhà nước cho các đơn vị khác và giải phóng các đơn vị sự nghiệp công lập.


Các vấn đề về chuyển giao chức năng:

(1) Giao việc quản lý thực hiện đề tài, dự án và thống kê thông tin KH&CN của một địa phương cho 1 người có làm nổi không? Xin thưa: làm không nổi thì nghỉ, tuyển người khác làm. Ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM ra thì các địa phương phê duyệt mỗi năm chỉ hơn chục đề tài, dự án cấp tỉnh; thời gian để tổ chức xét duyệt, nghiệm thu, các đề tài, dự án này cỡ 20 – 40 ngày, thời gian để kiểm tra việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án này khoảng 2-4 lần/đề tài, dự án/năm => tốn 20 – 40 ngày làm việc; thống kê thông tin KH&CN tại 1 địa phương dựa trên các đề tài, dự án được phê duyệt (thông tin có sẵn), liệt kê lại tốn cỡ 12 ngày (nếu thực hiện thống kê hàng tháng). Như vậy, người đảm nhận công việc này chỉ cần làm việc khoảng 90 ngày/năm, quá nhàn nhạ so với lịch làm việc hành chính bình thường là 264 ngày/năm (22 ngày/tháng x 12 tháng). Không làm nổi? Mời nghỉ!


(2) Chi cục QLTT nhận quản lý sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, TCĐLCL có ổn không khi họ chưa hiểu rõ về chuyên môn nghiệp vụ, thời gian qua lại dính đến tiêu cực nhũng nhiễu rất nhiều? Nếu trao thêm phạm vi quản lý cho Chi cục QLTT có phải giao thêm trứng cho ác? Cứ an tâm. Về quản lý nhà nước thì bất cứ lĩnh vực nào cũng có văn bản pháp luật qui định, chỉ cần tự đọc, tự tìm hiểu thì sẽ rõ và áp dụng được, cán bộ chi cục QLTT hầu hết đều có bằng đại học, không lẽ không làm được sao mà lo, nếu lo quá thì cho họ dự vài lớp tập huấn chắc chắn sẽ thấu hiểu và làm đúng. Tiêu cực, nhũng nhiễu thì sợ gì, đã có luật hẵn hoi, cứ theo luật mà làm. Chức năng, nhiệm vụ, và phạm vi quản lý của Chi cục QLTT hiện nay rất lớn, tổ chức bộ máy cũng rất lớn, có thể lớn hơn cả Sở KH&CN, như vậy trao thêm một phạm vi quản lý nhỏ cũng đâu phải là việc gì to tát, mà việc quản lý xăng dầu, vàng,… xưa nay Chi cục QLTT cũng vẫn quản lý một khía cạnh nào đó thôi, nay quản hết thì càng tốt, càng gọn.


(3) Cỡi trói hay là giết chết các đơn vị sự nghiệp? Cái này có người cười, kẻ khóc. Đơn vị đang ăn nên làm ra thì hồ hởi khi gỡ được “vòng kim cô cơ chế” để hân hoan chào đón sự tự do mới mẻ. Đơn vị quen với vòi sữa từ ngân sách thì mất ăn mất ngủ vì không biết làm gì để tự xoay sở. Đặc điểm chung của các đơn vị sự nghiệp này là được nhà nước đầu tư ban đầu rất nhiều (kể cả cơ sở vật chất và vốn thông qua các dự án sản xuất), thế nhưng sự khác biệt về nhân sự đã dẫn đến sự khác biệt về tương lai của các đơn vị này. Nếu đơn vị nào có nhân sự đủ tầm vóc nuôi dưỡng những tư duy sáng tạo để bức phá trong lĩnh vực KH&CN thì hãy cứ để họ được bay cao và bay xa. Nếu đơn vị nào không biết nắm bắt cơ hội, vẫn ngủ vùi trong cơ chế xin - cho, thì cứ để quy luật cạnh tranh của thị trường ban phát cho họ.


Vấn đề biên chế

Từ đầu đến giờ tôi chưa hề đề cập đến việc luân chuyển, hay giải quyết việc làm cho các cán bộ cốt cán, các nhà khoa học đại tài và các chuyên gia, chuyên viên của Bộ và các Sở KH&CN. Bởi vì theo ngu kiến cá nhân tôi, nên cho họ nghỉ hết và giải quyết chế độ thôi việc theo luật lao động, quy định trong vòng 5 hay 10 năm các quý vị này không được vào làm ở các cơ quan nhà nước. Lý do:


(1) Nếu thực hiện luân chuyển cán bộ sẽ dẫn đến hệ lụy tiêu cực khôn lường là nạn chạy “ghế”, chạy biên chế, chạy việc, …;


(2) Sau 5 hay 10 năm chắc khát vọng vào bám biên chế của không ít vị sẽ bị phai nhạt đi và không còn quay lại chạy “ghế” nữa;


Nói như thế không có nghĩa là Nhà nước chấp nhận bỏ đi một khối chất xám đồ sộ, không, không hề. Nhà nước chỉ muốn bung khối chất xám khổng lồ ấy để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KH&CN, những nhà khoa học đại tài, những GS, TS uyên thâm ấy, cùng với đội ngũ chuyên gia hùng hậu của Bộ KH&CN và các Sở KH&CN sẽ đích thân gia nhập các doanh nghiệp để giúp đỡ tận răng, (khi không còn đường quay lại cơ quan nhà nước), hoặc họ sẽ thành lập các doanh nghiệp KH&CN, những vị lãnh đạo kia sẽ trở thành những ông, bà giám đốc oai vệ với những thương hiệu công nghệ đỉnh của đỉnh.


Theo Dự thảo Nghị định được bộ Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến chính thức lần thứ 5, có 12 Sở “cứng” được tổ chức thống nhất, gồm: (1) Sở Nội vụ; (2) Sở Tư pháp; (3) Sở Kế hoạch - Tài chính (hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính); (4) Sở Công Thương; (5)Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị / Sở Hạ tầng và phát triển đô thị (hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải ở các địa phương, riêng ở Hà Nội và TPHCM thì gộp thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị; (6) Sở Tài nguyên và Môi trường; (7) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; (8)Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (9) Sở Giáo dục và Đào tạo; (10) Sở Y tế; (11) Thanh tra tỉnh; (12) Văn phòng UBND.


Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng để mở khả năng thành lập một số Sở “mềm” như: (1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2) Sở Khoa học và Công nghệ; (3) Sở Thông tin và Truyền thông; (4) Sở Ngoại vụ; (5) Ban Dân tộc; (6) Sở Du lịch, tùy theo điều kiện đặc thù từng địa phương.


Trường hợp không thành lập các sở thì chức năng tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các sở này được giao cho sở tương ứng như sau:


- Sở Hạ tầng và phát triển đô thị thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn;


- Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ và dân tộc;


- Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin, truyền thông và đổi tên Sở này thành Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch;


- Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi tên Sở này thành Sở Giáo dục và Khoa học, Công nghệ.



Tác giả: Ths. Cùi Bắp

Bài viết không có lời kết, thể hiện quan điểm của tác giả, quý vị có thể tranh luận bằng cách chia sẽ link cho các bạn bè, đồng nghiệp, tác giả tôn trọng mọi ý kiến trái chiều và không có ý kiến gì phản hồi vì đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người.

Tôm sú HLSO được chế biến từ tôm nuôi quảng canh, tôm sinh thái, đây là sản phẩm truyền thống được đông Block, Semi-block, IQF xuất khẩu đi nhiều nước.

Tôm thẻ vuông được cắt vỏ kiểu EZP đặc biệt để khi nấu chín chỉ cần đẩy nhẹ là có thể lột vỏ tôm, rất tiện dụng khi chế biến, được nhiều nhà hàng Nhật lựa chọn.

Tôm thẻ nguyên con được hấp chín, giữ nguyên hương vị tự nhiên của tôm, chất lượng hảo hạng, khỏi chê.

Tôm sú tươi được hấp chín, lột vỏ, rút tim, được đông lạnh, chỉ cần rã đông là dùng được, trộn xà lách, hay cocktail kiểu Mỹ La-tinh, khách hàng Âu-Mỹ rất thích.